Ứng dụng IoT giúp giảm thất thoát nước sạch
Hiện trạng thất thoát nước sạch tại Việt Nam
Theo hiệp hội VACNE, tỷ lệ thất thoát nước tại Việt Nam còn cao, khoảng 21,5%, trong khi đó, công nghệ xử lý nước thải, chất thải rắn còn lạc hậu, công tác quản lý còn nhiều hạn chế. Hiện các đơn vị liên quan đang cố gắng khắc phục những tồn tại, hạn chế này.
Nhiều thách thức
Thứ trưởng bộ Xây dựng, Bùi Phạm Khánh phát biểu tại triển lãm quốc tế ngành Nước và Môi trường lần thứ 10 – Vietwater 2018 (TP.HCM) cho biết: “Nước và môi trường là 2 lĩnh vực quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế – xã hội và chất lượng đời sống của nhân dân.
Trong nhiều năm qua, Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp cải thiện chất lượng nước, bảo vệ nguồn nước và môi trường, đẩy mạnh mở rộng hợp tác quốc tế, tiếp nhận, chuyển giao và ứng dụng công nghệ tiên tiến trên thế giới đồng thời có các chính sách huy động các nguồn lực toàn xã hội đầu tư vào 2 lĩnh vực này”.
Đến nay, hoạt động trên đã đạt nhiều kết quả khả quan như: Tổng công suất cấp nước sạch đô thị trên toàn quốc đạt khoảng 9 triệu m3/ngày đêm, tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt khoảng 85%, tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị đạt khoảng 85,5%…
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tiến bộ công nghệ sẽ tạo ra sự kết nối giữa thế giới thực, thế giới số và thế giới sinh vật hữu cơ,… tạo ra những công cụ sản xuất hội tụ giữa thực và ảo. Những thành phần điển hình của nền công nghiệp 4.0 (tiếng Anh là Industry 4.0) bao gồm sự xuất hiện của công nghệ Internet Vạn vật (IoT), thành phố thông minh, trí tuệ nhân tạo, xe tự lái, robot, máy in 3D, vật liệu mới, công nghệ nano cùng đột phá về nhận thức trong những quy trình sinh học.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia và nhà kinh tế trên thế giới, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ có những tác động mạnh mẽ tới các ngành, lĩnh vực cụ thể như: sản xuất – tự động hóa, giao thông, tài chính – ngân hàng, giáo dục, y tế, nông nghiệp… Làn sóng công nghệ mới này sẽ giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất, đổi mới sáng tạo các sản phẩm dịch vụ, giảm tiêu hao nguyên nhiên liệu, giảm chi phí sản xuất – vận hành, đồng thời đáp ứng chính xác hơn nhu cầu của khách hàng.
Ứng dụng Công nghiệp 4.0 – IoT vào ngành nước
Thời gian gần đây, một số doanh nghiệp công nghệ thông tin đã xây dựng các giải pháp IoT ứng dụng vào ngành nước. Các giải pháp tập trung vào việc đo xa, thu thập các chỉ số của mạng lưới nước như áp lực, lưu lượng, clo… Từ đó, dữ liệu được đưa về phần mềm quản lý tập trung, thông qua các thuật toán phân tích dữ liệu đưa ra được các cảnh báo sớm về tình trạng mạng lưới cấp nước.
Bài viết tổng hợp từ nhiều nguồn./.
Leave a Reply